02803.845.507 kcnsongcong@gmail.com
 

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ HỆ THỐNG XỬ LÝ:

Nước thải từ các nhà máy, cơ sở sản xuất trong KCN được thu gom về bể gom nước thải. Bể được trang bị 03 máy bơm, mỗi máy có công suất 80m³/h và lắp 01 thiết bị để xác định mức nước trong bể làm cơ sở để điều khiển mức độ hoạt động của các bơm. Cụm bể xử lý sinh học được thiết kế gồm 02 module hoạt động theo mẻ liên tục với chu kỳ 4h theo các bước: Để bắt đầu hoạt động 1 chu kỳ trong bể C-Tech, nước thải từ bể gom được bơm lên ngăn đầu tiên của bể Selector. Trước khi vào bể Selector nước thải được đo pH nhờ thiết bị đo được lắp trên đường ống, sau đó nước thải đi qua hệ thống van điều khiển trước khi phân chia vào 2 bể C-Tech. Khi pH chưa đạt thì hệ thống định lượng trung hòa pH sẽ cung cấp hóa chất axit/kiềm để đưa pH về giá trị tối ưu từ 6,5 – 7,5 tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sinh học phía sau. Một mặt, ngăn đầu tiên của bể Selector có nhiệm vụ tiếp nhận và hòa trộn nguồn nước thải đưa vào hệ thống cùng định lượng hồi bùn hồi lưu đưa về bằng bơm bùn hồi lưu lắp đặt trong bể C-Tech. Lưu lượng nước thải xử lý của nhà máy sẽ được tính thông qua lập trình căn cứ vào thể tích rút nước trong bể C-Tech và thời gian hoạt động của mỗi chu kỳ xử lý sinh học. Cuối chu kỳ xử lý, nước trong được đưa sang bể khử trùng bằng thiết bị Decanter . Tại ngăn đầu tiên của bể khử trùng, bơm định lượng sẽ cấp dung dịch hóa chất để khử trùng nước thải. Sau một thời gian phản ứng trong bể khử trùng, nước thải đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu và tự chảy về hồ sinh thái. Nước sau xử lý đảm bảo luôn đạt tiêu chuẩn môi trường loại B, TCVN 5945-2005 trước khi thải bỏ ra nguồn tiếp nhận.

nuocthai

 

Nhà máy XLNT KCN Sông Công bao gồm các hạng mục chính sau:

  1. Tiền xử lý: Bao gồm bể gom, song chắn rác thô, nước thải được gom và tách để loại bỏ tạp chất có kích thước lớn tạo điều kiện thuận lợi cho các công đoạn xử lý tiếp theo.
  2. Bể phản ứng sinh học C-Tech: Dùng để oxy hóa COD, BOD đồng thời với quá trình Nitrification và Denitrification. Bể được lắp đặt hệ thống phân phối khí dưới đáy để cung cấp khí dạng bọt mịn gián đoạn thông qua van điều khiển.
  3. Bể khử trùng: Sử dụng hóa chất NaClO để khử trùng nước thải.
  4. Hệ thống xử lý bùn: Bùn dư từ công đoạn xử lý sinh học được bơm đến bể phân hủy và làm đặc bùn. Bùn từ bể này được bơm lên sân phơi bùn để tách nước ra. Bùn khô được đưa đi thải bỏ chôn lấp theo quy định hoặc làm phân bón.
  5. Máy thổi khí và hệ thống phân phối khí cho các bể Selector, bể C-Tech, bể phân hủy và làm đặc bùn.
  6. Các bơm bùn hồi lưu, bùn thải.
  7. Bơm bùn lên sân phơi bùn.
  8. Hệ thống chuẩn bị hóa chất bao gồm các thiết bị pha trộn hóa chất, thùng chứa.
  9. Bơm định lượng hóa chất các loại.
  10. Hệ thống điều khiển tự động hóa trung tâm: Bao gồm hệ thống điều khiển SLC-500 của Allen Bladley và phần mềm giám sát RSView32.
  11. Các thiết bị đo tại hiện trường bao gồ: đo mức, đo pH, đo DO.
  12. Hệ thống đường ống công nghệ bao gồm: Hệ thống đường ống dẫn nước, dẫn bùn, dẫn khí.
  13. Hệ thống van tay, van một chiều, van điện điều khiển tự động.
  14. Hệ thống điện điều khiển.
  15. Hệ thống điện động lực.
  16. Nhà điều hành.
  17. Các thiết bị thí nghiệm.